Phần Thứ Nhất
Giới thiệu sơ lược về
tấm bia
Trùng tu Phượng Hoàng
Thị Kiều bi
Làng Duy Tinh có hai tấm bia đá cổ:
1- Bia "Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi
minh" 崇嚴延聖寺碑銘Bia dựng tại chùa năm 1118, ghi lại việc trùng tu chùa Sùng
Nghiêm Diên Thánh và sự kiện vua Lý Nhân tông tuần du phương Nam, đã về làng
Duy Tinh là lỵ sở của Trấn Thanh Hoa bấy giờ (Thanh Hóa ngày nay).
Bia cao 2,02 m, rộng 1,22 m trang trí đẹp, kiểu dây leo và
rồng xoắn đời Lý. Bia đã được phục chế lại và làm lễ khánh thành ngày 1 - 8 -
2013
2 - Bia “Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều
bi” 重修鳳凰市橋碑Bia dựng năm 1628 tại Chợ Phủ, ghi lại việc bà Hoàng Thái
Hậu Nguyễn Thị Minh Thụy thời hậu Lê, đã có công trùng tu cầu Phượng Hoàng và
chợ Tam Bảo.
Nội dung Văn bia khắc cả hai mặt trước và sau:
+ Mặt trước ghi: “Trùng tu Phượng Hoàng thị
kiều bi”
重修鳳凰市橋碑 .
Nội dung: Ghi lại việc bà Hoàng Hoàng Thái hậu
nhà hậu Lê là Nguyễn Thị Minh Thụy, người có công khởi xướng, cùng với các tôn
thất trong triều và một số quan lại tham gia tiền của, trong việc trùng tu cầu
Phượng Hoàng và chợ Tam Bảo. Kèm theo bài minh ca ngợi ơn vua và chúc quốc vận
trường tồn.
+ Mặt sau ghi: “Thi bản phủ thị ngưu thị vi
Tam bảo thị”.
施本府市牛市爲三寳市
Nội dung: Ghi lại việc bà Hoàng Hoàng Thái hậu
Nguyễn Thị Minh Thụy đặt tên chợ là chợ Tam Bảo. Kèm theo họ tên chức sắc bố đẻ
và những người trong gia đình bà Hoàng, cùng những người làng Duy Tinh và trong
vùng đã tham gia đóng góp tiền của xây dựng cầu và chợ.
*
* *
* *
Hai tấm bia này là hai báu vật vô cùng quý giá
của làng, minh chứng cho sự trường tồn của làng Duy Tinh - Chợ Phủ trong chiều
dày Lịch sử!
Văn bia “Sùng nghiêm Diên Thánh tự bi minh” đã
được in trong Tập 1 cuốn Thơ Văn Lý Trần (Trang 368) xuất bản lần đầu năm 1977
của Nhà Xuất Bản KHXH.
Hiện nay Nhà Chùa đã in phần dịch Văn bia, gửi biếu quan khách thập phương mỗi lần về chùa. Như vậy, Văn bia này đã được phổ biến rộng rãi.
Hiện nay Nhà Chùa đã in phần dịch Văn bia, gửi biếu quan khách thập phương mỗi lần về chùa. Như vậy, Văn bia này đã được phổ biến rộng rãi.
Còn tấm bia “Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi”
dựng tại Chợ Phủ năm 1628. Dân làng thường gọi là "Bia con rùa",
vì bia dựng trên lưng rùa. Nội dung văn bia này, hiện tại dân làng không ai
biết. Tấm bia đã có bước thăng trầm hy hữu suốt một thời gian dài.
Cuối những năm ba mươi của thế kỷ trước, không hiểu vì một
lý do gì, bia bị đổ và vỡ một góc ở đầu. Hương kiểm lúc bấy giờ là cụ Nguyễn
Văn Khuê (làng thường gọi ông Kiểm Cẩm) phụ trách an ninh của làng, phải chịu
trách nhiệm chính về sự vụ này. Cụ đã nhờ ông Nguyễn Văn Tụng đi bộ lên Thanh
Hóa mua 4 kg xi măng về hàn bia, rồi huy động trai làng dựng bia lại như cũ.
Bia bị
vỡ sứt ở đầu
Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, đến thập kỷ
sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước; cửa hàng Bách Hóa huyện Hậu Lộc, đã hạ tấm
bia làm bàn giặt một thời gian dài, nên chữ trên bia mờ hết cả.
Các cụ trong làng nhiều lần kiến nghị với
Huyện, kiên quyết giữ lại tấm bia cho con cháu hiểu rõ và tự hào về một vùng
đất văn vật. Hiện tại bia được đưa về cất tại chùa, mảnh vỡ ở đầu bị mất, nên
phải đắp xi măng.
Năm 1995 được sự chỉ đạo của Đảng ủy xã Văn
Lộc, ông Trần Lợi Tăng bí thư Đảng ủy xã cùng Ban viết sử của làng là các cụ
Nguyễn Văn Mậu, Lê Văn Quýnh, Trần Văn Bường, Ngô San và một số cụ cao niên
trong làng, đã tham gia biên tập tài liệu về Bia Phượng Hoàng. Nhưng rất khó
khăn vì chữ mờ hết cả.
Rất mừng là, gia đình cụ Bạ Thòa tìm được bản chép tay của
cụ Trần Lợi Hân. Lúc sinh thời, cụ Bạ Thòa tuy tuổi cao; nhưng suốt một thời
gian dài, ngày ngày cụ ra tấm bia khi còn dựng ở chợ, dò chép từng chữ toàn bộ
Văn bia.
Bản
chép tay của cụ Bạ Thòa - Trần Lợi Hân
Xin được ân tưởng công lao cụ Bạ Thòa, đã có một nghĩa cử
cao đẹp, nhờ đó mà bây giờ ta mới biết được nội dung Văn bia.
Trên cơ sở bản chép tay của cụ Bạ Thòa, cụ Lê Văn Quýnh và
cụ Trần Văn Bường đã chép lại rõ ràng toàn bộ văn bản chữ Hán.
Bản chép tay của cụ Lê Văn Quýnh
Bản
chép tay của cụ Trần Văn Bường
Rồi cụ Nguyễn Văn Mậu giáo viên về hưu, lên
thành phố Thanh Hóa nhờ cụ Lê Văn Uông bậc túc Nho Hán học của tỉnh nhà, người
cháu ngoại của làng Duy Tinh, đã dịch toàn bộ văn bia.
Cụ
Lê Văn Uông cùng cụ Nguyễn Văn Mậu ký xác nhận bản dịch văn bia
Nhưng rồi bản dịch Văn bia vẫn nằm im trong tủ nhà cụ Mậu từ
năm 1995, vì không có điều kiện in ấn phát hành.
Như một cơ duyên, trong lần về quê lấy tài liệu làm phim ký
sự “Làng cổ Duy Tinh” chúng tôi được cụ Nguyễn Văn Mậu cho xem bản dịch Văn
bia. Chúng tôi đặt vấn đề sẽ in Văn bia này để lưu lại một chứng tích Văn Hóa
của Làng. Cụ Mậu nhất trí cao, thực là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu
vậy.
Sau một thời gian khảo cứu, đối chiếu trên bia với những chữ
còn đọc rõ, chúng tôi hiệu đính một số chữ và âm Hán Việt giữa bản chép tay và
trên bia, đảm bảo tính chính xác.
Giải thích một số từ Hán Việt và các điển tích các cụ Nho học
thường dùng ngày trước.
Ngoài việc khảo cứu, chúng tôi đảm trách luôn việc chế bản,
in ấn để có một cuốn Văn bia hoàn chỉnh trình Làng.
Cuốn sách trình làng
Chúng tôi coi đây là bước chạy tiếp sức mà các
bậc tiền nhân của làng đã làm. Chắc rằng còn nhiều khiếm khuyết, bởi lẽ lượng
sức mình còn hạn hẹp.
Nhưng trước yêu cầu cần có một Văn bản lưu lại
cho Làng, để sau này có điều kiện nghiên cứu hoàn chỉnh hơn.
Chúng tôi thiết nghĩ, tấm bia Phượng Hoàng này
nên trả lại vị trí cũ, đặt tại chợ Phủ là chứng tích của một thời bà Hoàng Thái
hậu nhà Lê đã có công trùng tu cầu Phượng Hoàng và chợ Tam Bảo, để khách bốn
phương qua lại có dịp chiêm bái!
Làm được vậy, chắc rằng hồn thiêng linh ứng của
bà Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Minh Thụy và các vị tiền nhân, đã nhất tâm công
đức tiền của để trùng tu xây cầu và chợ, sẽ phù hộ độ trì cho Chợ Phủ ngày càng
sầm uất hơn!
Nguyễn Quý Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét