Video “Làng cổ
Duy Tinh ký sự”, với thời lượng 52 phút, giới thiệu những nét cơ bản về Lịch
sử Làng Duy Tinh đã có hơn ngàn năm tuổi. Từng là lỵ sở của Tỉnh Thanh Hóa suốt
400 năm của 2 triều đại Lý Trần từ năm 1029 đến năm 1400. Nơi đây danh nhân LÝ
THƯỜNG KIỆT đã ở, khi ông làm tổng trấn Thanh Hoa suốt 19 năm từ năm 1082 đến
1101 ông mới trở lại triều đình.
Làng
Duy Tinh còn là lỵ sở của Phủ Hà Trung và là Trụ sở huyện Hậu Lộc sau Cách mạng
Tháng Tám.
Video
gồm 5 tập. Tập 1 giới thiệu về vị trí địa lý làng Duy Tinh. Tập 5 nêu tóm tắt
sơ lược những bước phát triển của làng Duy Tinh hiện nay.
Tập
trung vào chủ đề làng cổ, các tập 2 – 3 – 4
làm rõ những di tích, những cứ liệu lịch sử minh chứng Làng Duy Tinh đã
hơn một ngàn năm tuổi:
- Tập 2: “Cầu Phượng Hoàng và chợ Tam Bảo” là
hai di tích lịch sử được ghi lại trên bia: “Trùng
tu Phượng Hoàng thị kiều bi”. Bà Hoàng hậu Nguyễn Thị Minh Thụy thời Lê
trung hưng, là vợ vua Lê Trung Tông (1535 – 1556), người có công lớn với làng
Duy Tinh. Ngoài việc trùng tu cầu và chợ; bà còn cấp 40 mẫu ruộng công điền và
dạy cho dân làng Duy Tinh nghề làm vàng giấy. Nghề này là nguồn sống chính của
làng suốt gần 500 năm, đến đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nghề này mới
thôi.
Để
ghi nhớ công lao của bà Hoàng Hậu, dân làng đã lập đền Phong Ngãi thờ bà và các vị vua thời Lê trung hưng. Hàng năm cúng tế
bà vào ngày: 12 tháng 2 Âm lịch.
Đền
đã bị phá bỏ thời kỳ xây dựng Hợp tác xã 1959 – 1960.
-
Tập 3: “Danh nhân Lý Thường Kiệt với làng Duy Tinh”. Với cứ liệu chính
sử, ghi lại thời kỳ Lý Thường Kiệt làm tổng trấn Thanh Hoa 19 năm, từ năm 1082
đến 1101. Lỵ sở trấn Thanh Hoa đóng tại làng Duy Tinh. Tập này nêu công lao to
lớn của Lý Thường Kiệt đối với trấn Thanh Hoa nói chung và làng Duy Tinh nói
riêng.
Để
ghi nhớ công lao to lớn của ông, làng Duy Tinh đã tạc tượng thờ ông tại chùa.
Hàng năm cúng tế ông vào ngày: mồng 2 tháng 6 Âm lịch.
-
Tập 4: “Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh”. Ngôi chùa có trước khi nhà Lý
chuyển lỵ sở trấn Thanh Hoa từ làng Dàng về làng Duy Tinh vào năm 1029.
Năm
1116 vua Lý Nhân Tông tuần du phương nam, đã về lỵ sở trấn Thanh Hoa tại làng
Duy Tinh. Sau khi vua hồi cung, để ghi nhớ ơn vua và chúc quốc vận trường tồn;
thông phán Chu Nguyên Hạo cùng dân làng đã tiến hành trùng tu chùa và dựng bia
“Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh”.
Ngôi
chùa và tấm bia như một nhân chứng sống, chứng kiến những bước thăng trầm của
làng Duy Tinh hơn một ngàn năm lịch sử.
*
*
*
Video
“Làng cổ Duy Tinh ký sự” đưa lên mạng
You Tube ngày 20/2/2013 với đường link: https://www.youtube.com/watch?v=ScCFrv14PNo
Đến
nay, sau 2 năm đã có trên 2 ngàn 7 trăm lượt người truy cập xem video này.
Một
số Trang Website và Facebook đã đưa video này về trang của mình như:
- Trang songmaca: http://songmaca.vn/
Đưa lên 01/7/2014 với lời bình:
“Người quê ta làm ký sự quê ta... Bằng tất cả niềm tự hào về quê hương
mình, làng cổ Duy Tinh được tác giả giới thiệu tương đối chi tiết trong suốt
tiến trình phát triển lịch sử, đậm chất liệu văn hóa và tinh thần nhân văn,
nhân ái của người dân xã Văn Lộc. Songmaca.vn trân trọng giới thiệu.”
- Trang Facebook Hậu Lộc Thanh Hóa: Đưa lên 13/5/2013
- Trang: Fri
– tv.dk với đường link
http://www.fri-tv.dk/video/video/hreTsLtb3vY/K%C3%BD-s%E1%BB%B1-L%C3%A0ng-c%E1%BB%95-Duy-Tinh-x%C3%A3-V%C4%83n-L%E1%BB%99c-H%E1%BA%ADu-L%E1%BB%99c.html
-
Trang vietgiaitri.com đường link:
- Trang: http://yeusaigon.net đường link:
*
Một
số độc giả đã phản hồi
sau
khi xem video:
“Một con
người nặng lòng, thao thức cùng quê hương với biết bao thăng trầm, dâu bể. Đâu
cả rồi những đền đài rêu phong, trầm mặc dưới bóng đa cổ thụ, những rặng tre
xanh làm mát cả trưa hè. Tuy vậy cũng hiếm có làng quê nào còn nhiều dấu cổ như
làng Duy Tinh thân yêu của bác. Mong sao những mỹ tục đẹp, những lễ hội tưng
bừng như thế này sẽ vẫn tiếp tục được hậu thế nâng niu trân trọng.”
(Đặng Kích Giáo
viên PTTH Nga Sơn - nghỉ hưu)
“Hôm nay
Chủ nhật, tôi đã xem cuốn phim về làng Duy Tinh.
Càng xem
càng thấy bị lôi cuốn. Có thể nói, đây là một công trình nghiên cứu rất công
phu, rất nghiêm túc và rất có gía trị, không phải chỉ riêng đối với làng Duy
Tinh đâu.” - Nguyễn Văn Thoại - Chủ tịch “Liên
hiệp người Việt toàn Liên bang Đức”
(Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Thoại người con làng Duy Tinh, hiện nay là Chủ tịch “Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức” ông công tác giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Trier là một trong 100 “Địa danh đặc biệt” của Đức).
*
* *
C húng
tôi đã có một tuổi thơ gắn bó với bao chứng tích của làng cổ Duy Tinh, còn gần
như nguyên vẹn vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước.
Những ngày tóc
còn để chỏm theo mẹ đi chợ Phủ ngày tết,
mải đứng nhìn ông lão nặn tò he, để mẹ
phải hớt hải tìm, rồi mẹ mua cho con tú
huýt bằng đất nung, thích đến nỗi thổi vẹo cả mồm!
Quên sao bữa cơm
đoàn kết, của cả hai đội thiếu nhi trong làng và ngoài phố, tập trung tại chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh trong ngày rằm
tháng tám. Chỉ có chuối xanh nấu ám mẻ và thịt lợn rang mặn, mà vẫn thấy ngon
hơn những bữa tiệc cưới hôm nay. Các mẹ các chị chia quà trung thu, là vài cái
bánh hình con cá, con lợn, mấy viên kẹo trứng chim. Buổi tối văn nghệ tại sân đền, rồi ngủ lại trong chùa. Tôi nằm dưới
bệ ông thần bắt rắn, co người ôm lấy
thằng bạn, cứ chập chờn thảng thốt…Sáng tỉnh dậy mới biết mình dấm đài…sợ xanh mặt, chạy vội vàng va
vào bà Thùy (bà o anh Lâu – Tiệp) làm bà suýt ngã, để về
nhà.
Vẫn nhớ rõ những
chiều hè ra bờ lũy thả diều, dòng dây
chạy thẳng ra cây đa chùa Chung, nằm
dài trên cỏ ngắm con diều bay cao trên trời xanh. Mấy đứa bạn cùng trang lứa rủ
nhau gánh nước giếng Quai. Bấy giờ cả
hai xóm Thưa và xóm Hàng, đều ăn nước giếng Quai. Tốp xóm Thưa chạy dọc theo bờ dứa, qua ao Phỏ rồi đi ngược lên. Tốp xóm
Hàng qua bờ ao ông Hương Trình, rồi
rẽ trái vào xóm. Giếng Quai là một giếng
đất, với trên hai mươi bậc đá xanh. Gánh nước bằng đôi nồi đất, chẳng hiểu sao
lại gọi là nồi giá, chỉ sơ ý khi vục
nước va vào bậc đá là vỡ ngay!
Nền giếng Quai
là một bãi cỏ dầy và bằng phẳng. Hai bên có hai hàng rào dứa rất tốt. Phía
trong làng là khu ruộng màu, gọi là ruộng
bờ giếng trong. Khu ruộng này chạy sát từ bờ ao nhà ông hương Trình, ông phó Sáng
đến bờ ao nhà ông Nền. Toàn bộ khu
này bây giờ là khu dân cư, nhà cửa mọc lên san sát. Ông Kềnh thương binh hiện ở khu đất nền giếng Quai. Phía Đông giếng
cũng là khu ruộng màu, chạy suốt tới cây
đa chùa Chung. Khu này cao hơn ruộng
Hào gần một mét, gọi là khu ruộng bờ
giếng ngoài. Con đường từ giếng Quai ra chùa Chung thấp hơn mặt ruộng bờ giếng
ngoài gần một mét. Năm 1952 mấy nhà xóm tôi ra khoét sâu vào thành những cái hầm,
để tránh bom của giặc Pháp ném vào làng. Thế mà bây giờ, giữa ruộng Hào và ruộng
bờ giếng ngoài, lại bằng phẳng chỉ để cấy lúa!
Năm 1952 ấy, cùng
với cái tang chung của làng, khi giặc Pháp ném bom, hơn 20 người chết, có người
đang mang thai, xác không nguyên vẹn, ruột văng lên ngọn cây dừa. Cả làng lại
ngậm ngùi nhận tin, ông Khanh hy sinh
trong một trận đánh Pháp…Rồi những năm đánh Mỹ, đánh Tàu, hàng chục thanh niên
của làng đã ngã xuống, vì sự nghiệp cao cả của dân tộc. Các anh, các chị - những
đồng đội của tôi - bây giờ lặng yên, chỉ là những dòng chữ ghi trên bia tưởng
niệm. Phải chi, làng Duy Tinh dựng một bia căm thù, ghi lại tội ác của thực dân
Pháp trong trận bom năm ấy!
Quên sao được,
những đêm bọn trẻ rủ nhau đi xem bộ đội diễn Văn Nghệ ở sân vận động, ngây người nhìn không chớp mắt mấy chú bộ đội hát bài
Hò kéo pháo. Xem chiếu phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”. Sợ nhất
là lần xem bắn tên phản động Tống Quang Chính ở phía Bắc khu Đồn. Đây là thời kỳ đấu
tranh chính trị, quá nhiều chuyện bi hài. Một người đương yên lành bỗng trở
thành tên phản động, quốc dân đảng; bị lôi ra đình Nghè, trói trật cánh khuỷu, rồi rút ngược lên xà. Bị tra khảo
bằng dùi vồ, gậy tre bắt nhận tội và khai ra đồng bọn! Một ông buôn bè thấy treo
bằng dây thừng không vững, bèn về nhà lấy cuộn dây song của nhà ra ủng hộ. Ngờ
đâu chỉ cuối buổi tra khảo, ông bị một “tên
phản động” đã chỉ mặt khai ông là phản động. Lập tức ông bị treo lên bằng
chính cuộn dây song của mình!
Những năm sôi động,
đêm đêm đốt đuốc đi khắp làng, miệng gào thét đến khản giọng, hô to khẩu hiệu
trong thời kỳ CCRĐ: “Có khổ tố khổ nông
dân vùng lên” “Đả đảo bọn địa chủ phản
động cường hào gian ác”. Rồi một ngày, người làng rỉ tai nhau chuyện tên Lý
Cảnh gài lựu đạn trước cổng, cho nổ tung để giết cán bộ và phá hoại cách mạng!
Té ra không phải vậy, việc này do một cán bộ Đội CCRĐ làm, nhằm khép tội để bắn
ông lý Cảnh, vì chưa đạt chỉ tiêu trên giao. Mừng cho ông lý Cảnh thoát kiếp nạn,
mặc dù ông có một thời tham gia công tác địa phương sau cách mạng tháng Tám năm
1945!
Chỉ mấy năm ấy
thôi, làng Duy Tinh có bao nhiêu chuyện hỷ - nộ - ái - ố xẩy ra. Vừa bi hài,
nhưng cũng không phải là không có nhiều chuyện hào hùng, nghĩa khí vì sự nghiệp
cao cả của đất nước.
Cuộc chiến chống
Pháp, chống Mỹ, chống Tàu đã cuốn bao thanh niên làng Duy Tinh vào binh lửa. Hơn
ba mươi năm là người lính cầm súng, đi dọc chiều dài đất nước từ bắc vào nam,
lúc trở lại quê hương tôi như kẻ mộng du: Cảnh cũ người xưa biết bao thay đổi.
Bạn cùng trang lứa kẻ còn người mất, người ở lại làng kẻ ở chân trời góc bể. Đã
là ông bà cả rồi, có người lên cụ, có chắt chít khăn vàng khi về với cát bụi.
Năm 2010 Tôi cùng
gia đình cháu Thành (con chị gái tôi) về chùa
Sùng Nghiêm Diên Thánh làm lễ cầu siêu cho vợ cháu mới mất. Mấy đứa con gái
cháu Thành, khi về chùa cứ hỏi tôi: “Ông ơi, chùa này làm từ bao giờ? Cái
chuông này đúc năm nào? Những chữ Nho trên chuông ghi gì vậy?...” Thời gian quá
ngắn ngủi, làm sao nói được tường tận cho các cháu biết. Tôi chỉ tóm lược “Làng
ta đã hơn ngàn năm tuổi, ngôi chùa cùng tuổi với làng. Chuông này đúc thời vua
Gia Long, đến nay trên 200 năm rồi”. Nghe vậy, các cháu mắt tròn, mắt dẹt tỏ ra
ngạc nhiên lắm.
Các cháu tôi ở
thế hệ 8x làm sao mà biết được về làng. Ngay cả những người làng, sinh ra sau
những năm 50 của thế kỷ trước, chưa hẳn mọi người đều biết bề dày lịch sử của
làng. Nỗi niềm ấy cứ canh cánh trong lòng tôi, phải làm một cái gì đó để lưu lại
bề dày lịch sử của làng. Tôi trao đổi với các cụ trong làng, các cụ đều ủng hộ,
động viên và sẵn sàng kể lại tất cả những gì các cụ biết.
Đây là thời kỳ
Công Nghệ Thông Tin bùng nổ, lớp trẻ rất
giỏi trong lĩnh vực này. Tôi đã xem nhiều clip
ngắn trên mạng. Thế là tôi uống phải thuốc “liều”,
thử làm một video – clip về làng vậy.
Năm 2012, như kẻ nhập đồng, điếc không sợ súng, một mình hì hà hì hục cả ngày đêm cho công việc.
Mọi việc từ viết nội dung, về quê quay cảnh và người, đến dựng phim, đọc thuyết
minh và in ra đĩa, tôi vừa học vừa làm. Làm được tập nào, tôi lại đưa về làng
cho mọi người xem góp ý. Sau hơn 8 tháng
trời ròng rã thì hoàn thành. Đã uống phải thuốc “liều”, chắc chắn đứa con tinh thần không tránh khỏi dị tật “sứt môi lồi rốn…”
Quá trình làm
Video, chúng tôi được các cụ cao niên trong làng và sư cụ Thích Đàm Tâm cung cấp
tài liệu và trao đổi góp ý cụ thể từng chi tiết. Chúng tôi xin được bầy tỏ lòng
tri ân tới các cụ
Nguyễn Quý Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét