Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

QUÊ CHA ĐẤT TỔ

                                                                                                                         Kỳ 2
                                                                                                Trích Hồi Ký Lê Trần Cảnh


Từ tỉnh lỵ Thanh Hóa, ngược phía Bắc theo đường quốc lộ số 1 về làng Duy Tinh - Chợ Phủ  khoảng hơn chục km. Ngày trước về làng Duy Tinh - Chợ Phủ thường qua cầu Sâng, cầu Hàm Rồng, cầu Tào Xuyên rồi rẽ phải vào tỉnh lộ số 5. Đi qua cầu Sài 2km nữa, đến Km số 9 là huyện lỵ Hậu Lộc, cũng là làng Duy Tinh - Chợ Phủ. Tỉnh lộ số 5 này, chạy qua giữa huyện Hậu Lộc đến phà Thắm là huyện Nga Sơn, Điền Hộ rồi qua Phát Diệm thuộc tỉnh Ninh Bình. Ngày nay tỉnh lộ số 5 đã được đổi thành quốc lộ số 10.

Quốc lộ 10 là tuyến đường liên tỉnh, chạy dọc theo vùng duyên hải Bắc Bộ, qua 6 tỉnh và thành phố: Quảng Ninh, Hải phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa. Đến Ninh Bình, quốc lộ 10 đổi hướng đông nam qua các huyện Yên Khánh, Kim Sơn (Ninh Bình) rồi theo hướng tây nam qua các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa (Bút Sơn). Điểm cuối của tuyến đường lại gặp quốc lộ 1A tại phường Tào Xuyên (thành phố Thanh Hóa).
Tỉnh lộ số 5 ngày trước, ở đầu ngõ Nạ có cột cây số bằng đá xanh trên khắc: RPNo5 - KM9 (Tỉnh lộ số 5, cây số 9). Bây giờ ở đầu ngõ Thưa có cột số bằng bê tông, trên khắc QL10 - KM284 (Quốc lộ số 10, cây số 284). Thế là bây giờ làng tôi đã có quốc lộ chạy qua rồi!
Qua làng Thái (Yên Thường) là vào địa phận làng tôi. Từ đây, đường làng chạy song song với sông Trà giang, bên kia sông là làng Bản Định thuộc huyện Hoằng Hóa. Đầu làng có một cây đa rất to ở vệ đường. Đi qua chùa Vải (bây giờ là Trạm xá) đến ngõ đầu tiên của làng: Ngõ Thưa, đi tiếp đến ngõ thứ hai là ngõ Hàng. Khu nhà xưa của tôi nằm ngay đầu ngõ Hàng phía bên trái. Tiếp đến ngõ thứ ba là ngõ Vũ, ngõ thứ tư là ngõ Nạ. Đi đến giữa dãy phố huyện gặp ngã tư: rẽ trái ra Cầu Phủ, rẽ phải vào ngõ Chùa, vì ngõ này có ngôi chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh hơn ngàn năm tuổi.
Không biết từ bao giờ làng tôi có câu đồng dao:
"Lắm lúa ngõ Hàng, lắm vàng ngõ Nạ, lắm rạ ngõ Thưa, đi lừa ngõ Vũ, ngủ trưa ngõ Chùa". Được các cụ giải thích là:
Ngõ Hàng nhiều nhà có ruộng nên lắm lúa, ngày mùa ngõ này người đi gặt gánh lúa về kìn kìn; khi cải cách ruộng đất riêng ngõ Hàng đã có gần chục địa chủ!
Ngõ Nạ phần lớn các nhà đều làm vàng mã, nơi cung cấp vàng mã cho cả vùng của hai huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa. Nên ngõ Nạ lắm vàng là vậy.
Trước mặt Ngõ Thưa là đồng rộng mênh mông, ngày mùa ra đồng ăn trộm rạ, về nhà rất gần, ít bị bắt gặp, nhà nào cũng tranh thủ lấy rạ. Nên ngõ Thưa mới lắm rạ. Ngày trước rạ là vật liệu để đun nấu quanh năm.
Ngõ Vũ là ngõ cụt, cuối ngõ có ngã ba rẽ sang ngõ Hàng và ngõ Nạ. Sáng mai chợ Đình họp ở đầu ngõ Hàng, kẻ cắp hay chạy xuống ngõ này để lẩn trốn, người đuổi theo không biết đâu mà lần.
Còn ngõ Chùa hay ngủ trưa, bởi sáng nào cũng bị thức sớm vì chuông chùa, nhưng rồi lại ngủ nướng nên hay dậy muộn!
Phía Nam ngõ Thưa, qua chùa Vải là khu ruộng đồng màu có tên là Án Sơn. Tên này đã có từ thời Lý, đây là khu ruộng thượng đẳng điền. Đất tốt, một năm hai vụ lúa và màu. Dọc theo ngõ Thưa bên trái là xóm, bên phải có một ao sâu quanh năm đầy nước gọi là ao Phỏ. Ngày nhỏ tôi thường theo mẹ đi tát nước ở ao Phỏ lên ruộng màu của nhà.
Tiếp đến là giếng Quai, đây là giếng đất hình lòng chão, tròn to như một cái ao con. Bờ giếng đắp đất cao không cho nước bẩn chảy xuống giếng được. Lối xuống giếng là một dãy đá lát thoai thoải từ trên xuống, với hai mươi ba bậc bằng đá xanh núi Nhồi. Chiều chiều, người ngõ Hàng và Ngõ Thưa đều ra giếng Quai gánh nước ăn rất đông. Người gánh nước quẩy đôi thùng tôn hoặc đôi nồi đất nung to gấp đôi cái mũ bảo hiểm bây giờ, cũng chẳng hiểu sao lại gọi là nồi giá. Người gánh nước theo bậc đá xuống đến khi lội ngập nửa bắp chân, cúi vục từng thùng một cho đầy nước, rồi quay người lại gánh nước lên. Chỉ sơ ý khi vục nước, nồi vỡ khi đụng vào bậc đá, về nhà thế nào cũng bị phạt. Nhẹ là bị chửi mắng, nặng là bị đánh đòn!
Nếu có nhiều người gánh cùng một lúc, phải chờ người kia gánh lên mới có chỗ xuống được, vì bậc đá chỉ vừa chỗ cho một người đi. Nước giếng rất trong và ngọt dùng làm nước ăn uống của gần nửa làng. Quanh năm nước không bao giờ cạn, dù là đại hạn.
Hàng ngày, cứ khoảng ba giờ chiều thanh niên và lớp choai choai chúng tôi, rủ nhau đi gánh nước rất đông, từng tốp hợp cạ chuyện trò vui vẻ lắm. Tất cả đều chân đất. Một vài đứa trẻ, tám chín tuổi quẩy đôi lu sành, mỗi lu chỉ khoảng năm sáu lít nước, miệng lu mắc một đây thừng tòng teng trên vai, chúng chạy lâng châng như sắp ngã đến nơi.
Những buổi chiều hè người ra tắm đông vui lắm. Người ta cởi quần vắt lên bụi dứa, rồi tồng ngồng lội xuống giếng, xách nước lên bãi rộng dội ào ào vào người. Chuyện trò rôm rả cứ tự nhiên như không, mặc cho mấy cô gái nghiêng mặt, gánh nước chạy vội qua chỗ mọi người đang tắm.
Các cụ truyền lại giếng này có từ cuối thời Trần, đến nay cũng đã trên 600 năm rồi. Cuối thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước, khi thực hiện phong trào đào giếng gia đình; làng mới huy động Hội Phụ nữ gánh đất Đồng Cửa lấp giếng gần một tuần mới xong.
Qua giếng Quai khoảng 300 mét là cây đa Chùa Chung. Đây là ngã tư giao nhau giữa hai con đường. Một đường chạy từ Khu Đồn qua bờ Lũy, cây đa con, cây đa Chùa Chung ra Chùa Quyến rồi sang làng Bộ Đầu. Một đường từ ngõ Thưa qua giếng Quai, cây đa Chùa Chung, đến khu Lăng rồi ra Xóm Đền.
Gọi là cây đa Chùa Chung, vì ở đây ngày xưa có ngôi chùa cùng thời với chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh. Chùa chung cho cả hai làng Duy Tinh và Bộ Đầu, nhưng rồi dân làng Bộ Đầu đã đốt chùa với lý do: ngôi chùa ngoảnh mặt hướng Nam nhìn về làng Bộ Đầu, nên con gái làng Bộ Đầu thường chửa hoang!
Từ chùa Chung qua mả Quỳn một đoạn ngắn là khu Lăng. Đây là khu dành cho lăng mộ các nhà quan từ thời nhà Lý, đến thời Lê trung hưng khi bà Hoàng hậu Nguyễn Thị Minh Thụy mất, được chôn ở đây. Lăng là khu đất bằng phẳng, vuông vức rộng bốn mẫu, xung quanh có hàng rào xương rồng. Góc Đông Bắc Lăng là đền Phong Ngãi, thờ bà Hoàng Hậu và các vua nhà Lê. Phía Đông đền ra đến sông là khu đất hoang rậm rạp. Cuối thế kỷ 18 ông Nguyễn Thủ người xóm Hàng Gà - Duy Tinh ra khai phá, rồi nhiều người đến ở, lập nên xóm mới. Xóm ở cạnh đền Phong Ngãi, nên gọi là xóm Đền, bây giờ gọi là làng Mỹ Điện.
Lăng là khu đất công, không ai được phép chôn cất hoặc canh tác ở đó. Sau năm 1945 một số dân xóm Đền ra vỡ Lăng trồng màu. Hiện nay là nghĩa địa của làng Mỹ Điện. Sau cách mạng tháng Tám, đền Phong Ngãi không có người chăm sóc, nên đã bị hủy hoại, chỉ còn gian hậu cung dồn tất cả bài vị vào đó. Năm 1957 tôi về dạy cấp Một xã Văn Lộc, có ra xem đọc các bài vị. Thời hậu Lê có bài vị vua Lê Lợi, thời Lê trung hưng có đủ bài vị từ vua Lê Trang tông (chúa Chổm) đến Lê Chiêu Thống. Sau này gian hậu cung cũng phá nốt, bàn thờ và bài vị đem làm củi nấu lò mía của hợp tác xã! Hiện chỉ còn lại một hòn đá xanh bậc thềm của đền.
Thầy tôi có kể lại rằng: Trước năm 1945 vào ngày giỗ Lê Lợi 22 tháng 8 âm lịch hàng năm, tại Thái Miếu nhà Lê ở Bố Vệ (Thành phố Thanh Hóa). Chức dịch làng Duy Tinh được dự lễ, sau khi tế lễ ở phần cỗ kiến tại có một mâm cỗ cắm biển đề: Duy Tinh hương, ở khu dành cho họ ngoại các đời vua. Đây là mâm cỗ dành cho chức dịch làng Duy Tinh. Vì Duy Tinh là quê hương của bà Hoàng Hậu Nguyễn Thị Minh Thụy.
Công đức của bà Hoàng Hậu đối với làng Duy Tinh rất lớn. Bia "Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi" ghi rõ việc bà đã bỏ tiền của và kêu gọi mọi người đóng góp, trong việc làm cầu và dựng chợ. Dân làng vẫn còn lưu truyền câu: "Cầu hư lấy cầu mà sửa, chợ hư lấy chợ mà sửa", và nói rằng đó là di ngôn của bà Hoàng Hậu với làng Duy Tinh. Ai cũng cho rằng bà Hoàng Hậu giấu vàng ở mỗi công trình để sau này sửa chữa. Thực hư khó xét đoán, khi làm lại cầu sau năm 1975 cũng chẳng thấy vàng đâu!
Khoảng trước năm 1940, có ông Binh người Nam Định mở hiệu thuốc bắc, ở ngôi nhà trước mặt bia chợ bên kia đường, bỗng nhiên giầu có. Đồn rằng: một đêm ông mở cửa ra đường, thấy một đôi vịt quanh quẩn chân bia, ông bắt lấy đôi vịt hóa ra đôi vịt vàng. Tiếng đồn lan truyền, qua một  thời gian; rồi một buổi sáng mai, dân làng thấy bia ngã đổ và vỡ một miếng ở đầu. Chắc rằng trong đêm có kẻ đào quanh bia tìm vàng. Cụ hương kiểm Nguyễn Văn Khuê (làng thường gọi ông Kiểm Cẩm) phụ trách trị an của làng, phải chịu trách nhiệm chính về sự vụ này. Cụ đã nhờ ông Nguyễn Văn Tụng đi bộ lên Thanh Hóa mua 4 kg xi măng về gắn lại bia, rồi huy động trai làng dựng bia như cũ.
Nhà tôi ở đầu ngõ Hàng, đi dọc xuống hai bên là nhà ở san sát nhau. Có nhiều ngách rẽ vào hai bên, đều có nhà ở. Đi hết ngõ ra đến đồng, hai bên là khu đồng sâu gọi là ruộng hào. Hào có từ thời nhà Lý, phía ngoài hào là Lũy. Lũy chạy dài suốt từ Đồn ra tận chùa Chung. Hào và Lũy do Lý Thường Kiệt xây dựng hồi ông làm Tổng Trấn Thanh Hoa. Đây là tuyến phòng thủ ngăn quân giặc từ biển vào. Suốt 19 năm làm tổng trấn từ 1082 đến 1101, Lý Thường Kiệt đã xây dựng tuyến phòng thủ liên hoàn vững chắc; đến nay vẫn còn lưu lại tên: Cồn Chiêng, cồn Trống, cồn Vũ...
Ruộng hào quanh năm nước ngập, thường cấy lúa nếp hạt cau, một loại lúa nếp cây cao, thân cứng; bông to hạt mẩy vỏ có xọc đen. Năng xuất không cao, nhưng gạo rất thơm ngon. Một đặc sản bây giờ không còn.
Cánh đồng hào cũng được xếp vào thượng đẳng điền, thầy mẹ tôi có hai sào ruộng hương hỏa ở đây. Ruộng hương hỏa là ruộng có trích lục đóng dấu đỏ: "cấm mua bán và chuyển nhượng". Ruộng chỉ dùng vào mục đích canh tác thu hoa lợi, để đèn nhang cúng ông bà tổ tiên. Nhưng được cầm cố, bởi thế khi cầm cố ruộng này thường chịu lãi suất cao với giá cắt cổ; vì thế nào người cầm cố cũng phải chuộc lại. Thầy mẹ tôi đã phải cầm cố nhiều lần hai sào ruộng này. Cứ cầm rồi chuộc, chuộc rồi lại cầm; mãi sau năm 1945 mới chuộc về hẳn.
Ngõ Vũ không có đường chạy ra đồng, cuối ngõ có đường rẽ sang ngõ Nạ và ngõ Hàng. Ở đây có cồn Vũ để luyện quân. Truyền rằng ngõ này là dành cho quan võ ở từ thời nhà Lý. 
       Ở đầu ngõ Vũ, có một cái điếm canh ba gian, xây gạch lợp ngói là trụ sở của tuần đoàn. Điếm ngảnh mặt hướng nam, đầu hồi có ba chữ nho: "Tuần đoàn điếm"- 巡團店.Hai bên cửa có đôi câu đối:
Hữu thổ hữu tài tư hữu dụng,   有土有財資有用
Tùy thời tùy thế hựu tùy nhân   隨時隨世又隨人
Thể hiện cách xử lý việc làng vừa công bằng, vừa có tình làng nghĩa xóm! Bên trong điếm dựng một dãy gậy tre đực to bằng cổ tay, dài hai mét, đầu gậy cuộn một khúc dây thừng. Trên tường có treo mấy cái tù và bằng sừng trâu và ốc biển, đó là vũ khí và phương tiện làm việc của tuần đoàn. Chỗ nào xẩy ra sự việc, phạm pháp quả tang, người đi tuần thổi ba hồi chín tiếng tù và; trương tuần và trực tuần đoàn xách gậy, đeo tù và đến giải quyết. Có quyền bắt trói người phạm pháp dẫn về điếm để hương kiểm xét xử. Nhẹ thì trói ngồi một buổi, người nhà đến nộp phạt và nhận lỗi xin về. Nặng thì giải lên huyện, chưa biết nếp tẻ ra sao, ông đội lệ tống ngay vào phòng giam chờ xét xử.
Tuần đoàn có trương tuần và 20 trai đinh, làm nhiệm vụ tuần tra bảo đảm an ninh trật tự của làng, từ nội gia cư đến ngoại đồng điền. Đây là một nhiệm vụ bắt buộc của trai đinh đến tuổi 18. Hàng năm có thay phiên cho đủ số lượng.
Người đi tuần có mang theo một tù và, đi một đoạn lại thổi ba tiếng: tú..um! tú..um! tú... um..um..! từ trong làng ra ngoài đồng, như báo cho mọi người biết có tuần làng đang làm việc.
Sau năm 1945 điếm canh là nơi canh gác của dân quân. Thời kỳ thực hiện phong trào bình dân học vụ, điếm là nơi kiểm tra người mù chữ. Ai chưa thoát nạn mù chữ không được vào chợ.
Ngay điếm canh có con đường rẽ trái vào khu vực đình nghè thờ Thành hoàng làng. Sỡ dĩ gọi là đình nghè, vì bà Hoàng hậu đã xây đình ở chợ rồi. Một làng không thể có hai đình. Đình nghè có bốn gian rộng, trông về hướng Nam. Gian trong cùng có tường hậu và xây kín hai bên, mặt trước là cửa gỗ đóng kín. Bên trong giữa gian bệ thờ có tượng thần Cao Sơn độc cước và đồ tế khí, chấp kích bát bửu. Trên cao là bức hoành phi: “Thánh cung vạn tuế”.
Ba gian ngoài để trống cả ba mặt, không có cửa nhả gì. Hai bên chỉ xây tường gạch, cao độ một mét để ngăn cách với bên ngoài. Trước đình nghè là khoảng sân đất rộng, từ cửa đình nghè trông ra cuối sân là bức bình phong xây cao, phía ngoài là một cây hoa ngọc lan rất to cao, chắc phải vài trăm tuổi. Đến mùa hoa ngọc lan nở, thơm lừng cả một vùng; suốt dọc đường cái quan đều thoang thoảng mùi hoa ngọc lan.
Ba gian đình nghè là trụ sở hành chính của làng, nơi làm việc của lý trưởng trong mùa thu thuế; nơi hội họp của Hội đồng tư vấn, Hội đồng lý hương. Không có bàn ghế, khi nào hội họp, mõ làng quét tước sạch sẽ, trải chiếu theo chiều dọc. Các vị ra họp, ngồi theo ngôi vị của mình. Dãy chiếu trong, ngồi trên là ông tiên chỉ, tiếp đến các vị trong Hội đồng tư vấn. Dãy chiếu ngoài là của Hội đồng lý hương. Ngồi trước là lý trưởng, tiếp đến là phó lý, hương bạ, hương bản, hương mục, hương dịch, hương kiểm. Không ai được phép ngồi lộn xộn.
Lý trưởng là người có trách nhiệm và quyền hạn hành chính cao nhất trong làng và giữ đồng triện (con dấu bằng đồng) của làng. Phó lý giúp lý trưởng, nhưng chỉ là hư vị. Hương bạ coi việc sổ sách, sinh tử, giá thú. Hương bản là thủ quỹ, hương mục coi việc đồng áng, hương dịch coi việc phu phen, thường hai việc này đều do hương mục làm cả. Hương kiểm coi tuần phòng trị an.
Hàng ngày các vị lý hương làm việc tại nhà, dân ai cần công việc gì, liên quan vị nào đến nhà vị ấy. Xin xác nhận giấy tờ, đến nhà lý trưởng. Khai sinh, khai tử đến nhà hương bạ. Khai báo trị an đến nhà hương kiểm... Chỉ đến kỳ thu thuế hàng năm, lý trưởng mới ra đình nghè làm việc. Người dân ra đình nghè nộp thuế.
Qua đình nghè, theo đường cái đi ra là chợ Phủ. Chợ cạnh đường cái, từ đầu ngõ Nạ đến đầu ngõ Chùa. Chỗ này là ngã tư, rẽ trái là huyện đường bên phải, rồi tới cầu Phủ đi Nghĩa Trang. Phía bắc chợ, tại ngã tư có ngôi đình năm gian rộng, hướng Đông - Tây, hai mặt đều trống, chỉ xây tường đốc bắc nam. Thềm hai bên có ba bậc đá xanh lên xuống khá cao. Ngôi đình này do bà Hoàng hậu Nguyễn Thị Minh Thụy làm từ năm 1615. Đình ở ngay chợ, nên dân làng thường gọi là đình chợ. Đình chợ không chỉ là của làng, mà còn là của Phủ, Huyện mỗi khi có việc. Như tế lễ cầu an, cầu phúc, đảo vũ, cầu mưa của Phủ , Huyện đều làm ở đây. Hàng năm làng cúng lễ Kỳ Yên tại đình vào rằm tháng tư rất to.
Phía nam đình là một tấm bia đá trên lưng rùa, có hàng lan can gạch cao khoảng nửa mét bao quanh. Dân làng thường gọi là bia con rùa! Thực ra nội dung tấm bia là "Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi" 重修鳳凰市橋碑. Bia ghi lại công tích của bà Hoàng Hậu trong việc trùng tu cầu và chợ. Phía Tây chợ là bờ sông Trà giang, đây là khu vực hàng bè bán luồng nứa gỗ. Chợ Phủ có sáu phiên chính họp vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25 và 30 hàng tháng. Ngoài ra, hàng ngày chợ còn họp vào buổi chiều, gọi là chợ hôm; chủ yếu bán lương thực như gạo, khoai, ngô, cám, rau và cá biển.
Từ ngã tư, chạy dọc ra phía bắc là đến Nhà thương và Trường Pháp - Việt. Khu vực này đối diện với công sở xã Văn Lộc hiện nay.



Phố chợ Phủ, các nhà đều quay mặt ra đường để bán hàng. Đầu chợ có hàng cơm bà Bảu, bên kia đường quay mặt ra chợ, có hiệu thuốc bắc Tế Sinh Đường của ông Phó Hai, đến hàng bánh giầy giò của bà cò Cà, bà cò Quèo, hiệu tạp hóa của bà Kiểm Thêu. Qua ngõ Chùa là tiệm phở bà hương Phách, đến ty rượu Phông ten của ông ký Thái. Dọc theo đường ra cầu Phủ, nhà trông ra chợ có hiệu thuốc bắc của ông Binh, tiệm may anh Hào đều là người Nam Định, đến hiệu thuốc bắc của ông lý Ba. Cuối đường là lò mổ trâu bò của ông khán Lai. Đối diện bên kia chợ là lò mổ lợn của ông kiểm Chinh.
Chỉ bằng ấy hộ kinh doanh buôn bán, cũng đủ cho nhu cầu sinh hoạt một huyện lỵ! Lý hương trong huyện có việc phải lên hầu quan, người nhiều tiền thì ăn phở tiệm bà hương Phách; người ít tiền thì ăn cơm bình dân ở hàng bà Bảu. Dân trong làng không ai ra phố để ăn, vì ai ra ăn quán đều bị chê cười!
Qua ngõ Vũ một đoạn rẽ bên phải là ngõ Nạ. "Nạ" là tiếng Việt cổ nghĩa là "Mẹ", đây là xóm cổ nhất làng, ngõ đã có trước khi nhà Lý dời lỵ sở trấn Thanh Hoa từ Làng Giàng về làng Duy Tinh. Tổ tiên hai dòng họ lớn của làng: họ Lê và họ Trần đều phát tích ở đây. Hậu duệ cành đại tôn họ Lê vẫn ở chỗ cũ, giờ là nhà anh Lê Quang Quỳ. Hậu duệ cành tiểu tôn họ Lê, tức là họ Lê Trần cũng vẫn ở chỗ này, giờ là nhà thím Lương, thím Khối. Hậu duệ họ Trần cũng có nhiều chi ở ngõ này.
Cạnh đường xóm ngõ Nạ có một cái giếng khá to, xây gạch ở trên và đá ở dưới. Sân giếng lát gạch vuông vức, gọi là giếng Nạ. (Bây giờ giếng không còn, phần đất giếng đã chia cho dân rồi). Cuối ngõ Nạ là khu Văn Chỉ của làng ở bên trái (bây giờ là ao thả cá). Văn chỉ là một khu đất vuông, tường bao quanh, trong có các bệ gạch để thờ cúng Khổng Tử, do hội Tư Văn (như hội học sinh bây giờ) của làng đảm nhiệm. Có ruộng Kỵ Điền (như ruộng hương hỏa) của hội tư văn, canh tác lấy hoa lợi cúng tế hàng năm. Ngay sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Văn Chỉ bị phá để lấy đất tăng gia sản xuất.
Qua Văn chỉ đi tiếp ra đồng, hai bên là ruộng sâu của khu hào xưa. Vượt qua bờ Lũy là khu Bái Nạ nơi để chôn cất người chết. Sau năm 1970, quy hoạch lại đồng ruộng, các mộ ở đây và rải rác các nơi khác như chùa Chung, cồn Chối, Thổ Thàng, mả Quỳn... đều di chuyển xuống Bái Vươn là khu nghĩa địa của làng hiện nay.
Ngày nay, con đường này được làm bê tông và mở rộng, ô tô trên 10 tấn có thể đi lại. Con đường chạy qua nghĩa địa và ra tận sông Hà Mát. Tiện lợi đôi đường, vừa có đường phòng đê chống lụt, nhưng tiện nhất là đi làm đồng và xe tang lăn bánh êm nhẹ, đưa tiễn người quá cố ra nghĩa địa Bái Vươn, nơi an nghỉ cuối cùng của người làng Duy Tinh. Dân làng Duy Tinh tri ân và ghi nhận công của ông chủ tịch huyện Trần Văn Thiêm đã chỉ đạo làm con đường này!
Ngõ thứ năm là ngõ Chùa, gọi là ngõ Chùa, vì cuối ngõ có ngôi chùa cổ Sùng Nghiêm Diên Thánh. Hơn một ngàn năm biến đổi của thời gian và con người, ngôi chùa đã bao lần thay đổi. Không ai biết rõ được hình bóng xưa ra sao, chỉ biết rằng sau khi trùng tu năm 1116, ngôi chùa khá uy nghi tráng lệ. Điều này còn ghi rõ trên văn bia:
“Ngắm xem: Rường nhà cong cong như cầu vồng sau mưa quạnh quẽ nhô ra, ngói uyên ương phơi dưới gió như sập sè múa lượn.
Nóc nhà uốn như trĩ bay xòe cánh; đấu chạm trổ như phượng múa lai chầu. Mái cong lấp lánh dưới ánh mặt trời, hiên lượn quanh co trước gió.”
Trước năm 1939, chùa chỉ có ba gian hậu đường xây dọc, ba gian tiền đường xây ngang. Kiến trúc theo hình chữ đinh. Chùa không có sư, chỉ có thủ tự do làng cử ra thắp hương đánh chuông. Năm 1939 làng thỉnh sư về trụ trì. Làm ba gian nhà tranh bên phải chùa cho sư ở. Cũng năm đó làng cho xây bên trái chùa ba gian nhà gạch lợp ngói, tạc tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh để thờ, gọi là Phủ Mẫu. Phủ của hội các tín đồ "con Thánh" do bà mục Chúc đứng đầu quản lý. Rằm, mồng một đều cúng lễ. Ngày nhỏ, tôi có ra Phủ xem "lên đồng" nhiều lần. Người lên đồng ngồi ở chiếu trước bàn thờ Thánh Mẫu, lấy dải lụa mầu phủ lên mặt. Ông cung văn ngồi bên, vừa đàn vừa hát các bài chầu văn cô Ba, cô Bảy, bà chúa Thượng Ngàn...  Người xem được nghe tiếng đàn ngọt, giọng hát véo von thấm đẫm trong mùi hương, làm cho đầu óc thêm phiêu diêu, tưởng như mình cũng bay lơ lửng, theo nhịp điệu lắc lư của người ngồi đồng...Bỗng người ngồi đồng giật phắt khăn che mặt, đứng lên nhảy múa theo đàn hát của cung văn. Trong số người ngồi đồng, có bà mục Chúc là người hát hay và múa đẹp nhất. Sau cách mạng Tháng Tám thì hội tan. Ngày đó chúng tôi là trẻ con, mỗi lần gặp bà mục Chúc thường hát trêu: "Cô lên đồng, cô hát cô chơi, cô bắn súng lục, cô bơi thuyền rồng..." bà chỉ cười vui thật hiền!
Qua bên trái Phủ là Ao Sen ở phía trước và Đền ở phía sau. Ao gần như là một hình vuông, mỗi cạnh dài vài chục mét, ao trồng sen và khá sâu; nhiều chỗ lút đầu người dơ tay với không tới mặt nước. Quanh năm nước ao không cạn. Ao Sen là nơi lấy nước uống của cả làng. Nước ngọt om chè xanh và pha trà tầu rất ngon. Bờ ao dài có nhiều chỗ xuống lấy nước, nên ai muốn vục nước ở đâu cũng được. Chính thế nên đã có vụ chết đuối, ấy là vào thập kỷ 50 của thế kỷ trước, anh Mộng lội ao bứt hoa sen, vào chỗ quá sâu có nhiều cây sen chằng chịt; lại khi vắng người nên anh chết đuối. Sau vụ này, làng cho xây tường bao quanh ao. Mặt trước ao đào sâu hai nơi sát tường, xếp đá vòng quanh như hai cái giếng, cách nhau gần hai chục mét. Người gánh nước không được lội ao nữa, mà phải mang gầu đứng múc nước như múc giếng thường. Nhưng không ai nói là gánh nước giếng Sen, mà vẫn gọi là đi gánh nước Ao Sen.
Mãi sau năm 1975, có phong trào đào giếng gia đình và làm bể nước mưa, người làng mới không ăn nước Ao sen nữa. Ao Sen bây giờ nằm giữa nhà Văn Hóa làng và Khu tưởng niệm các Liệt sĩ, tạo nên cảnh quan đẹp cho khu Văn Hóa làng.
Bên trong Ao Sen, qua một sân rộng là ngôi đền, nơi thờ bà Hoàng cảm linh nhân; một nhân thần của thời Lý, đó là bà Hoàng Hậu vương phi Ỷ Lan. Đền là một ngôi nhà gỗ lim năm gian to rộng, rui mè đều bằng gỗ, lợp ngói âm dương. Cửa gỗ bức bàn theo lối kiến trúc truyền thống. Ngày lễ, các cánh cửa được nhấc ra; trông vào đền rộng thênh thang. Hai gian bên là hai sập gỗ dài suốt bề ngang của đền. Sập là một rương gỗ lớn, có nhiều ngăn để cất các đồ tế khí như cờ quạt, mũ áo cân đai, hia... Trải chiếu lên trên thành cái sập dài, rất tiện lợi vừa dùng ngồi hội họp việc làng, vưà ăn cỗ.
Năm 1957 tôi về dạy cấp Một xã Văn Lộc, đền không còn nguyên vẹn như xưa nữa. Tất cả cửa bức bàn không còn, chỉ thấy năm gian trống trơn là chỗ học của lớp Hai. Năm sau nữa, đền bị phá không biết lấy gỗ làm gì. Chỉ còn lại cái nền đất và sân rộng rêu phong suốt một thời gian dài. Mãi sau năm 1975 mới xây dựng Đài tưởng niệm các Liệt sĩ ở đây!
Phía trước đền, ở bên kia đường có một cái giếng cổ xây gạch, gọi là giếng Hào. Vì sát cánh đồng Hào nên nước không được trong, chỉ dùng cho người đi làm đồng về múc nước tắm rửa.
Đằng sau chùa và đền là khu Đồn ở phía Bắc của làng. Khu đất này bằng phẳng rộng mênh mông, chạy dài ra tận đầu Ghềnh và áp sát làng Khoan Dịch. Đây là lỵ sở của trấn Thanh Hoa suốt hai triều đại Lý - Trần, từ 1029 đến 1400. Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, người làng đốt gạch làm nhà, đã đào được khá nhiều cổ vật các loại như: bát đĩa sứ, đồ gốm đất nung của thời Lý, gạch vồ của đời Trần, tiền đồng... Nhưng bấy giờ cả nước đang tập trung cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, chính quyền không quan tâm tới việc này. Có người đào được nguyên cả đầu rồng đất nung, còn nguyên cả râu rồng, to như cái nồi cơm điện, đem bán chẳng được bao nhiêu!
Phía Tây đồn là Ao Tiên và vườn ổi khá rộng, năm 1942 Pháp xây dựng sân vận động sát cạnh Ao Tiên. Từ đường cái vào sân vận động là một con đường rộng, trước cửa sân vận động xây hai trụ cổng hình vuông, mỗi chiều rộng nửa mét, cao trên ba mét. Phía trên cùng mỗi bên đều đắp hai chữ SM lồng vào nhau, đó là hai chữ Pháp viết tắt: Stade Municipale nghĩa là sân vân động đô thị (hoặc thị xã). Năm 1944 lên thị xã Thanh Hóa học Trung học, tôi có vào sân vận động, cũng thấy có hai cột cổng y như vậy.
Vào trong sân, phía bên phải là khu dựng các thiết bị tập thể thao: xà đơn, xà kép, thang dây, hố nhảy dài, nhảy cao... Phía bên trái là sân bóng đá, có đủ hai bên cột gôn và đường pit chung quanh. Sân vận động dùng cho học sinh tiểu học chúng tôi tập thể thao hàng ngày. Từ khi có sân, học sinh được phân loại để tập thể thao theo hình vóc chứ không theo lớp. Năm đó tôi học lớp Nhất, nhưng bé tẹo, chỉ cao 1m23, nên được xếp tập thể thao với lớp Năm là lớp bét!
Thời ấy ngày học hai buổi, nghỉ thứ năm và chủ nhật. Buổi học chiều cứ đến bốn giờ, khán trường đánh năm tiếng trống, học sinh xếp sách vở giấy bút lại để ngay ngắn vào ngăn bàn, rồi xếp hàng ra sân vận động, cách trường khoảng một trăm mét để tập thể thao. Tôi tập ở lớp Năm, thầy giáo lại là anh Lê Đình Lan, anh con cô cậu ruột, nên anh Lan "lơ" cho tôi được tự do, miễn tập nhưng vẫn có điểm để nộp cho lớp! Do đó, hôm nào thích thì ra sân đứng xem người khác tập; không thích thì nhảy qua cửa sổ, ra phía sau trường ngồi đọc truyện, chờ đến khi có tiếng trống bãi trường thì vào lớp cùng các bạn cắp sách ra về. Không ai có thể trốn giờ thể thao để về trước được. Vì lúc ra khỏi lớp đi tập thể thao, khán trường đã khóa cửa các lớp lại; dứt tiếng trống bãi trường mới mở cửa lớp cho học trò vào lấy sách vở.
Cuối năm 1946, toàn quốc kháng chiến, thực hiện lệnh "tiêu thổ kháng chiến" các thiết bị thể thao đều bị dỡ bỏ. Năm 1947 sân vận động do huyện đội quản lý, dùng làm bãi tập quân sự cho bộ đội chủ lực huyện và du kích các xã. Bấy giờ tôi là tổ trưởng văn thư quản lý của huyện đội, vì thấp bé nhẹ cân, nên được chỉ huy ưu đãi phát cho khẩu súng ngắn và một con đại đao nhỏ để cùng tập với mọi người.



Ngày nay, sân vận động là sân Văn Hóa của làng, xã và của huyện nữa. Tổ chức cắm trại của thanh thiếu niên, các trận bóng đá trong huyện và tỉnh. Vì huyện Hậu Lộc hiện chỉ có sân vận động làng Duy Tinh là sân bóng đá.
                                                                              Lê Trần Cảnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét