Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

Cối xay lúa


Lâu lắm rồi không nghe tiếng xay lúa, nhưng đôi khi nghe tiếng xe chạy lại mường tượng ra cái âm thanh ù ù ùy ùy của cối xay lúa một thời.

Xưa kia, cái cối xay lúa dùng để biến hạt thóc thành ra hạt gạo, vì thế nó là vật dụng không thể nào thiếu được của người dân thôn quê. Bất đắc dĩ lắm mới phải đi xay nhờ hàng xóm, chẳng hạn như cối nhà bị hỏng mà chưa làm kịp.

Làm một cái cối xay lúa thì cầu kỳ và không dễ chút nào, phải là những ông  thợ chuyên nghiệp gọi là ông phó cối. Thoạt tiên dùng tre đan vanh tròn cho thớt trên và thớt dưới, sau đó đổ đất sét ẩm vào dầm kỹ. Thớt trên có cái họng gỗ vuông ở giữa. Một thanh ngang bằng gỗ hoặc luồng xuyên qua vành thớt trên, phần thừa ra là 2 tai có lỗ để cắm giằng xay. Giằng xay hình chữ T, một đầu có trục để cắm vào tai xay, còn đầu chữ T để hai tay nắm chặt, đẩy thớt trên quay vòng. Giằng xay được cố định bằng giây thừng buộc lên trên xà nhà.

Giữa thớt dưới là cái trục thẳng đứng (gọi là ngõng xay), xuyên qua thanh ngang thớt trên để định vị thớt trên khi xay. Người ta chia mặt thớt thành tám phần đều nhau, rồi nêm vào phần đất của hai thớt các dăm gỗ nhãn hoặc gỗ dẻ theo một quy luật. Vì thế chỉ được quay theo chiều kim đồng hồ rất êm khi xay, lúa được tách ra gạo và vỏ trấu riêng biệt. Nếu quay ngược lại thớt trên sẽ chạy kênh cao, phát ra tiếng kêu lục cục, lúc này chỉ có lúa chảy ra mà thôi và sẽ hỏng cối.

Chèn dăm, nạo rãnh đâu đấy, rồi khoét đất một hình chảo lõm ở thớt trên là nơi đổ thóc vào; thóc chảy xuống họng và lan đều trên mặt thớt dưới, để khi quay hai mặt cọ sát tách riêng gạo và vỏ trấu. 

Ông phó cối đến đóng cối cho nhà nào là được gia chủ trọng đãi lắm, nếu nhà xa thì nghỉ lại; cơm gà, cá gỏi như thượng khách. Người có uy tín sẽ được dân làng mời làm luân phiên hết nhà này sang nhà khác. Bởi vậy, ông phó cối mỗi lần đi vài tháng mới về nhà. Người ta sẽ truyền tai nhau về một cái cối tốt, quay nhẹ, chảy nhanh và không bị sống (bóc vỏ không kỹ, còn thóc, hoặc bị nát). Gỗ làm dăm và họng cối nếu kiếm được cây nhãn già là khéo nhất, nó dẻo và dai, lại lâu mòn dăm.

Cái cối xay trong nhà cũng là hình tượng biểu thị tính cách của từng gia chủ. Cối làm cầu kỳ thường là sở hữu của những chủ nhân cẩn thận, căn cơ. Cối làm cẩu thả, rách nát phản ánh lối sống của những anh tạm bợ, qua quýt. Cối hoạt động đều đặn, thường xuyên cho biết gia đình này kinh tế dư dả, sung túc. Nhà không có nổi cái cối xay thì chắc rằng cũng chỉ suốt đời ăn đong, vay nợ.

Lại nữa, nghe tiếng xay lúa biết được tính cách, nết người. Tiếng quay đều đều là người chăm chỉ chứ không thẽo thợt, dựa dẫm. Tiếng quay như giông bão là của người xốc nổi, thiếu kiên trì; hoặc của các bà xa chồng đêm đêm đổ trấu vào xay!!! mà xay kiểu ấy thì dễ hỏng cối lắm. Người yếu, người khỏe tiếng cối nghe cũng khác nhau.

Thóc xay xong lại phải sàng sảy cho hết trấu, chỉ còn gạo lật để giã. Việc sàng sảy thóc thường của đàn bà, con gái chứ đàn ông ít người làm và biết làm. Những công việc ấy thông thường phải tranh thủ về tối, sáng sớm hoặc là những ngày mưa không đi làm đồng được.

Thương cho các bà, các mẹ, các chị em ta đầu tắt mặt tối, hết việc đồng áng, rơm rạ về nhà lại còn xay lúa, bồng em… đến nỗi người nào, người ấy đến tuổi dậy thì mà cứ còi cọc. Nhiều khi bố mẹ hoặc chủ nhà giao cho con cái và người ở hai ba việc một lúc, làm cho họ phải lên tiếng phản đối. Vậy mới có câu: “Xay lúa thì khỏi bồng em”.


Đáng phục cổ nhân đã biết nhìn xa trông rộng việc đời, mà cảnh báo những ai: “Gà què ăn quẩn cối xay”. Chớ vội tự mãn, nếu so với thiên hạ thì chưa là gì cả.

Lũ trẻ con vẫn đố nhau về cái cối xay:
Không răng mà cắn nát nhừ
Miệng to họng nhỏ từ từ nuốt vô
Bụng không có chỗ chứa đồ
Cho nên em phải đổ ra liên hồi.
Hồi chiến dịch Điện Biên Phủ, ở Tây Bắc vẫn giữ thói quen dùng cối giã gạo bằng sức nước hoặc dùng chày tay. Làm sao đủ gạo cho bộ đội ăn no đánh thắng?
Bộ chỉ huy mặt trận, huy động hàng trăm thợ đóng cối xay từ Thái Bình, Nam Định lên Điện Biên, tổ chức thành nhiều tổ đóng cối xay lúa. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm chiếc cối xay lúa phục vụ kịp thời cho chiến dịch thắng lợi.


Những năm đánh Mỹ, cơ quan lương thực tổ chức phát xay. Từng nhà nhận lúa về xay giã, nộp gạo cho nhà nước theo tỷ lệ. Một việc làm không có công xá gì. Có chăng, chỉ được hưởng cám và trấu. Nhà nhà vui vẻ làm vì “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”
Thời nay, cái cối xay thóc không nhà ai còn nữa, có chăng chỉ còn thấy ở các bảo tàng. Công nghệ đã chế ra máy xay xát thay cho sức người trong việc xay giã.
Bâng khuâng, cảm hoài một chút về cái cối xay tre ngàn đời gắn bó cùng người nông dân.

Đặng Kích






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét