Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Điêu khắc đá thời Lý ở Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh

chua_sung_nghiem_truoc_1975
09/11/2010 (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)
Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh được tạo dựng trên vùng đất thuộc thôn Duy Tinh, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), bên dòng sông Ấu, cận kề cửa biển Lạch Trường. Chùa từng có nhiều tên khác nhau: Duy Tinh cổ tự (gọi theo tên làng), chùa Văn Lộc (theo tên xã)… song được biết đến nhiều hơn cả vẫn là tên gọi chùa Sùng Nghiêm. Sùng Nghiêm Diên Thánh cổ tự tọa lạc giữa vùng đồng bằng, trên con đường thiên lý Bắc - Nam, thuận lợi cho việc giao lưu đường bộ, đường sông và cả đường biển.
Tài liệu để lại cho biết: người có công trong việc dựng chùa là Thông phán Chu Công. Chùa Sùng Nghiêm tọa lạc trên nền một chùa cũ và là ngôi cổ tự lớn bậc nhất ở châu thổ sông Mã. Trải gần 1.000 năm, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh đã qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu; tuy nhiên, dấu ấn nghệ thuật thời Lý vẫn in đậm trong kiến trúc, hệ thống di vật và cả trong khuôn viên chùa.
Bia đá đặt phía trước chùa; dựng ngày 19 tháng 10 năm Mậu Tuất, niên hiệu Hội Trường Đại Khánh thứ chín (1118). Khối bia hiện không còn nguyên vẹn. Thư tịch cũ cho biết: bia cao 202cm, rộng 112cm do Chu Nguyên Hạo giữ chức Phụng nghi lang, thủ thái thượng thừa, kiêm Quân ngự phủ tài hóa kiêu kỵ úy, tứ phi ngự đại, tá tử viết chữ. Theo Hoàng Xuân Hãn, bia được trang trí “kiểu dây leo và rồng xoắn thời Lý” (tuy nhiên, dấu hoa văn trang trí đến nay không còn). Nội dung văn bia ngoài phần ca ngợi đạo Phật còn cung cấp tư liệu về người khởi dựng, cấu trúc ngôi chùa, Phật điện và một số vấn đề có liên quan đến Phật giáo thời Lý trên vùng đất Cửu Chân.
Bia chùa Sùng Nghiêm có niên đại vào loại sớm nhất trên đất Thanh Hóa. Chữ khắc trên bia cho thấy thợ khắc chữ là một “thạch công” tài hoa. Kiểu dáng, cách bố cục khối bia đều mang phong cách chung của nghệ thuật điêu khắc thời Lý, phổ biến ở các ngôi chùa vùng hạ lưu sông Mã, có ý nghĩa khởi nguồn cho các loại bia giai đoạn sau.
Phù điêu trang trí được thể hiện chủ yếu ở các khối đá hình chữ nhật, có kích thước không đều nhau - trung bình cao 25cm, rộng 20cm, dài 60 - 80cm. Hoa văn trên các khối đá là mô típ hình rồng uốn lượn.
pcb2
Các tảng đá chạm phù điêu hoa văn rồng thời Lý, bó vỉa thềm chùa.
Hình rồng được thể hiện khá chi tiết: đầu to, thân dài uốn 13 khúc theo kiểu nhỏ dần về phía đuôi. Các chi tiết như: sừng, bờm, chân và móng rồng được đặc tả khá chi tiết, mang phong cách chung của những con rồng trên các bia hoặc đồ gốm thời Lý ở miền Bắc Việt Nam. Các mô típ rồng được thể hiện liên hoàn trên nhiều khối đá dùng ốp nền trước Phật điện. Lối kiến trúc, trang trí độc đáo này chỉ có ở chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh.
126-Dau_su_tu_bang_da Chân tảng đầu rồng pcb5
Chân tảng hoa sen.
Chân tảng hoa sen khá phổ biến trong các ngôi chùa thời Lý ở xứ Thanh. Chân tảng hình hoa sen ở chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh có đường kính 80cm, dày 20cm, với 3 lớp cánh sen: hai lớp cánh đứng, một lớp cánh cụp. Nửa phía dưới chân tảng là các họa tiết hình cánh sen cụp, mỗi cánh sen rộng 2,5cm, cách đều nhau và liên hoàn theo vòng tròn của khối tảng. Nửa trên chân tảng là các họa tiết cánh sen đứng gồm hai lớp: lớp ngoài rộng hơn lớp trong, lớp cánh sen bên trong bị che khuất chỉ còn nhô lên phần đầu nhọn của cánh sen. Nét khắc sâu, độ nổi cao. Cả khối tảng là một đóa sen, nửa dưới gồm những cánh sen nở xòe, nửa phần trên cánh sen đang nở, ôm khít lấy chân cột.
Loại chân tảng hình hoa sen kép có mặt sớm nhất trên đất An Hoạch - quê hương của nghề chạm khắc đá xứ Thanh; và đến hôm nay mới chỉ được biết đến ở chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh
pcb5
Họa tiết hoa cúc trên bệ tượng phật.
pcb6  
Bia “Sùng Nghiêm Diên Thánh Tự” dựng năm 1118
Bệ tượng Phật hình hoa cúc là di vật độc đáo nhất của chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh. Từ trước đến nay, các chùa cổ ở Việt Nam chỉ được biết đến với các chân tảng chạm khắc hình hoa sen cùng những mô típ hình cành lá cúc mảnh mai trang trí trên diềm bia. Trong dịp trùng tu chùa năm 2010, toàn bộ kiến trúc và Phật điện được tháo dỡ nên đã phát hiện được 3 bệ tượng Phật bằng đá được chạm khắc hình hoa cúc.
126-Bo_tuong_Tam_The_Phat  
Bộ tượng Tam Thế Phật bằng gỗ tạc thế kỷ XVII (bị mất năm 2010)
pcb5
Bệ tượng (đá nguyên khối)
Bệ tượng là cả một khối đá nguyên khối, hình bát giác với 8 cạnh không đều nhau (4 cạnh dài, 4 cạnh ngắn); đường kính 90cm, cao 45cm… chia làm hai phần: phần trên cao 30cm, có 3 bậc - mỗi bậc cao 10cm; bậc trên cùng đặt tượng (đường kính phía bên trong 40cm). Phần đế bệ cao 15cm, có hình một đóa hoa cúc. Các cánh hoa cúc được chạm khắc theo lối liên hoàn.
Tài năng của người thợ chạm khắc đá xưa thể hiện ở chỗ đã đặc tả được nét đặc trưng của loại hoa vàng mỗi độ thu về. Cánh hoa bé, mềm mại, đầu cánh uốn cong. Theo sự hiểu biết của người viết, những bệ tượng Phật được chạm khắc hình hoa cúc trên đây mang dấu ấn văn hóa thời Lý - lần đầu tiên được biết đến ở chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh; góp thêm một “báu vật” vào di sản văn hóa Phật giáo nói riêng và di sản văn hóa Việt Nam nói chung.
PHẠM HOÀNG MẠNH HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét